Ngày 28/4, tại TPHCM, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022. Thông qua đại hội, BMI sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt 15% và đặt ra kế hoạch tổng doanh thu năm 2022 đạt 5.700 tỷ đồng.
Thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của BMI trong năm 2021, ông Phạm Minh Tuân, Phó tổng giám đốc BMI cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng, BMI cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, toàn hệ thống kinh doanh của BMI đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh do ĐHĐCĐ và Hội đồng quản trị (HĐQT) đề ra.
Năm 2021, tổng doanh thu của BMI đạt 5.347 tỷ đồng, tăng trưởng 6,41% so với năm trước, bằng 106,4% kế hoạch đặt ra. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 4.496 tỷ đồng, duy trì “top 4” thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Trong đó, doanh thu nhận tái bảo hiểm là 524,4 tỷ, doanh thu hoạt động đầu tư và tài chính đạt 326,3 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 306,2 tỷ đồng, bằng 110,58% so với kế hoạch, ROE ở mức 11% vượt kế hoạch tối thiểu 10% đề ra trong năm, bằng 128,8% so với năm 2020.
Được thành lập năm 1994, trải qua gần 30 năm thành lập và phát triển, thương hiệu BMI ngày càng được các khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm, liên tiếp nhiều năm được tổ chức xếp hạng quốc tế A.M. Best đánh giá xếp hạng tài chính ở mức B++ (Tốt). BMI là một trong những doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt vai trò nòng cốt, đem lại hiệu quả kinh doanh cao, phù hợp với nhiều nội dung tại Thông báo số 57 ngày 28/2/2022 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”. Trong đó có nội dung: “Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, bảo đảm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt, ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo các chủ trương của Đảng; Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; Duy trì, củng cố và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu tốt; Làm rõ, tránh đồng nhất việc cơ cấu lại là thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp…”